Chuyện... Cảm Ơn

Chuyện... Cảm Ơn

Kinh thánh: Thánh Thi 103: 2; 139: 14; I Ti-mô-thê 4: 4 (*)

 

“Cảm ơn” là một từ khá phổ biến ở hầu hết các dân tộc trên thế gian nầy. Hầu như không có dân tộc nào mà không chú trọng đến lời cảm ơn. Từ “cảm ơn” thể hiện sự tôn trọng người khác một cách đúng đắn và phải lẽ khi người ta giúp mình một điều gì đó. Khi có ai giúp mình một việc gì, dù nhỏ đến đâu, mình cũng cần phải biết nói lời “cảm ơn”.

Nếu có ai đó được một người nào đó giúp cho một việc gì mà người ấy lại không nói lời “cảm ơn” người đã giúp mình thì người đã có hành động giúp đỡ đó tự nhiên cảm thấy như có cái gì đó...hụt hẫng trong lòng vậy. Nói về chuyện “cảm ơn”, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện tôi đọc đâu đó trên báo chí đã lâu về nhà văn Lep Tonstoi, tác giả bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” nổi tiếng, đại ý như sau:

“Một hôm, có một phụ nữ đến gặp nhà văn và nhờ giúp đỡ một công việc gì đó. Nhà văn sẵn sàng giúp đỡ cho bà một cách vô tư, không tính toán gì cả. Sau khi hoàn thành công việc, bà này đứng dậy ra về một cách tự nhiên,...quên nói lời “cảm ơn” nhà văn.

Đợi cho bà ra đến ngoài cổng, nhà văn mới nói với theo:

“Thưa bà, bà vừa nói gì đó?”

Người phụ nữ trả lời: “Thưa ông, tôi đâu có nói gì đâu?”

Nhà văn liền đáp: “Cơ khổ, thế mà tôi tưởng bà nói lời “cảm ơn” tôi cơ chứ?”

Đúng là cách nhà văn hỏi có khác người thường chúng ta phải không bạn?

Một câu hỏi khá...lạ và khá...độc đáo!

Mỗi khi tôi...lỡ quên nói lời “cảm ơn” ai đó là tôi lại nhớ đến câu chuyện nầy của nhà văn Lep Tonstoi để tự nhắc nhở mình đừng quên nói lời “cảm ơn” người khác.

Trong Kinh thánh cũng có câu chuyện đề cập đến trường hợp ...vô ơn của con người.

Sách Lu-ca, chương 17, câu 11-19 ghi lại câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành mười người phung như sau:

“Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Jesus đi qua miền giáp ranh giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Khi Ngài vào một làng kia, có mười người phung ra đón. Họ đứng đàng xa, lên tiếng kêu xin: "Lạy Thầy Jesus, xin thương xót chúng con!" Thấy vậy, Ngài bảo: "Hãy đi trình diện với các thầy tế lễ!" Khi họ đang đi, thì được sạch bệnh phung. Một người trong nhóm thấy mình được chữa lành, quay lại, lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời, rồi sấp mặt nơi chân Chúa Jesus mà cảm tạ Ngài; đó là một người Sa-ma-ri. Chúa Jesus hỏi: "Không phải tất cả mười người đều được lành sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai quay lại tôn vinh Đức Chúa Trời, chỉ có người ngoại quốc này thôi sao?" Rồi Ngài bảo người ấy: "Con hãy đứng dậy, về đi! Đức tin con đã chữa lành con!"

Đọc xong câu chuyện về quyền năng chữa bệnh kỳ diệu này của Chúa Jesus, chúng ta cảm phục về quyền năng của Chúa bao nhiêu, chúng ta lại càng thất vọng về tấm lòng vô ơn của con người tội lỗi chúng ta bấy nhiêu. Có đến mười người được chữa lành, nhưng sao lại chỉ có một người quay lại cảm tạ và tôn vinh Chúa Jesus? Mà người đó lại là người Sa-ma-ri là người mà bị người Do-thái ghét bỏ, coi khinh mới ngược đời chứ? Đó là câu hỏi chúng ta thường hỏi mỗi khi đọc câu chuyện nầy? Tôi thường trách chín con người vô ơn kia là sao lại vô ơn đến thế??? Sao lại vô tâm đến thế? Bạn có trách họ như tôi không?

Ngẫm xem lại chính bản thân mình, tôi thấy mình cũng không hơn những người vô ơn đó là bao, nếu không muốn nói là mình cũng như họ thôi. Đã biết bao lần, tôi cầu xin Chúa ban cho điều nầy điều kia, cầu xin Chúa cho tôi làm việc nầy việc nọ được tốt đẹp, đi đến nơi nầy nơi kia được bình an nhưng rồi sau khi đạt được những điều đó, tôi thường quên nói lời tạ ơn Chúa.

Không biết bạn có như tôi không? Có khi nào, bạn cầu xin ông Trời ban cho mình điều nầy điều kia, cái nầy cái nọ, và một khi đạt được những điều mình cầu xin rồi, thì mình...không còn nhớ đến ông Trời nữa không? Tôi tin rằng nếu nói thật với lòng mình, bạn sẽ đồng ý với tôi điều đó. Rất nhiều lần, bạn và tôi quên ơn Trời phải không?

Ca dao Việt Nam có câu:

“Lạy Trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp...”

Nhưng một khi đã có nước uống, đã cày được ruộng, đã đầy bát cơm và dư rơm đun bếp rồi, thì quên mất ơn ông Trời đã ban cho mưa xuống. Đúng ra phải tạ ơn Trời, nhưng chúng ta lại đi lạy ông thần nông, quan công hay thổ địa nào đó. Thật đáng buồn và đáng trách biết bao! Vậy mà, ông Trời vẫn cứ tiếp tục ban nắng, làm mưa xuống cho chúng ta. Thật đúng là không có ai chơi đẹp, không có ai có lòng rộng lượng và khoan dung như ông Trời phải không bạn?

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp nhiều người vô ơn, bội ơn hơn là gặp người biết ơn và nhớ ơn. Dầu vậy, chúng ta vẫn cứ phải nên là người hay làm ơn thì chúng ta sẽ chất chứa cho mình một cái nền tốt và vững bền về sau. Đừng vì có quá nhiều người hay vô ơn và quên ơn mà chúng ta dừng lại việc làm ơn của mình. Khi chúng ta hay làm ơn thì không sớm thì muộn, ông Trời cũng cho chúng ta gặp được những người biết ơn và nhớ ơn, và người đó sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên về thái độ đang yêu của họ dành cho chúng ta, giống như người Sa-ma-ri được Chúa Giê-su chữa lành bệnh phung trong câu chuyện kể trên.

Lạy Chúa, xin Ngài tha thứ cho con nhiều và rất nhiều những lần vô ơn đó trong đời sống của con. Và xin Chúa giúp cho con luôn luôn biết ơn Ngài trong cuộc sống nầy.

 

Xin cho con biết nói như vua Đa-vít ngày xưa rằng: “Tôi cảm tạ CHÚA vì tôi đã được tạo nên một cách đáng sợ và diệu kỳ.” (Sách Thánh Thi 139, câu 14)

Vua Đa-vít của người Do-thái ngày xưa đã nói với lòng mình rằng: “Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng CHÚA. Chớ quên tất cả các ân huệ Ngài.” (Sách Thánh Thi, chương 103, câu 2)

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)