Hãy tiếp tục làm chứng, vì Chúa, hãy tiếp tục đeo đuổi!

Hãy tiếp tục làm chứng, vì Chúa,  hãy tiếp tục đeo đuổi!

Nền văn hóa của chúng ta được gọi là hậu Cơ-Đốc giáo - không chỉ không phải là Cơ Đốc giáo mà ngày càng chống Cơ-Đốc giáo.

 

Càng ngày, chúng ta càng có nguy cơ mất đi sự tự tin rằng việc nói về Chúa Jêsus sẽ tạo nên tác động. Tuy nhiên, xã hội thế tục của chúng ta khiến cho con người đi tìm kiếm một điều gì đó mang lại ý nghĩa và mục đích cho đời sống họ.

Vâng, đây có thể là thời điểm khó khăn để “giữ mình là muối” và tiếp tục chia sẻ lý do cho niềm hy vọng, nhưng đây cũng là thời điểm tốt nhất để làm nhân chứng cho Chúa, vì nhu cầu đang rất lớn.

Trong nền văn hóa hậu Cơ Đốc giáo này, liệu chúng ta có lấy lại sự tự tin và niềm tin quyết vào Đức Chúa Trời – Đấng phán và hành động, vào hiện thực Ngài là ai – “Đấng can thiệp siêu việt” như mô tả của C. S. Lewis không? 

Liệu chúng ta có cho thế giới thấy – không phải theo cách tự đắc hay gượng ép nhưng bằng lời nói và hành động – rằng việc tiếp nhận Chúa Jêsus Cơ Đốc làm Chúa của họ sẽ khiến mọi thứ trở nên khác biệt, một sự khác biệt bền vững duy nhất, trong cuộc sống cá nhân, thành phố và thế giới của chúng ta?

Làm chứng không phải là một việc phụ thêm

Tôi là người đầu tiên trong gia đình tin Chúa. Mặc dù phải mất một thời gian nhưng cuối cùng cả gia đình tôi cũng tiếp nhận Chúa, trừ em trai tôi. Bobby và tôi gần như sinh cùng một năm, cậu ấy nhỏ hơn tôi 12 tháng và 2 tuần. Mọi người đều yêu quý cậu ấy. Bobby có một trái tim nhân hậu, nhưng cậu đã phạm một số sai lầm lớn trong cuộc sống trưởng thành của mình và vì thế trải qua một số năm khó khăn.

Một ngày nọ, Bobby đột ngột gọi cho tôi. Tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Cuối cùng, Bobby nói: “Chị Becky, em có quá nhiều hối tiếc trong cuộc đời”.

“Tốt quá, Bobby”, tôi nói, “vì những người có điều hối tiếc mới hiểu Phúc Âm rõ nhất!”

Bobby đáp: “Nhưng khi nhìn vào cuộc sống của em cho đến nay, rồi nhìn vào cuộc sống của chị, em thấy rất xấu hổ”.

“Nhưng em có biết chúng ta có điểm gì chung không?” Tôi trả lời. “Cả hai chúng ta đều là tội nhân rất cần sự tha thứ của Chúa. Đó là lý do Chúa Jêsus phải chết trên thập tự giá. Ngài chết vì những tội nhân như chúng ta. Không ai xứng đáng với ân điển của Chúa cả. Nhưng ân điển Chúa vẫn đang chờ đợi em đấy!”

Tôi đã chia sẻ niềm tin của mình với Bobby nhiều lần suốt nhiều năm. Tôi sợ mình hy vọng hơi quá sớm, nhưng vẫn cảm thấy lần này có gì đó khác biệt. Khi chúng tôi sắp cúp máy, giọng Bobby như vỡ òa: “Chị Becky, cảm ơn chị nhiều lắm, em nói từ tận đáy lòng”.

Một vài tuần sau, tôi cảm thấy Chúa thúc giục tôi tổ chức một buổi sum họp gia đình để cùng kỷ niệm Lễ Tạ ơn. Khi mọi người đến, tôi nhìn thấy Bobby và vô cùng bất ngờ vì sự khác biệt của cậu ấy. Tôi tự hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với Bob? Cậu ấy trông thật bình an và vui vẻ.

Sau bữa tối, chúng tôi có thời gian cập nhật cho nhau biết cuộc sống của mỗi người. Sau cuộc điện thoại giữa chúng tôi hôm ấy, Bobby phải đối mặt với sự thật rằng cậu đã xa rời Chúa suốt cả đời mình. Cậu nói: “Cuối cùng, em đã làm điều đó. Em đã nói ‘Vâng’ với Chúa Jêsus và đầu phục đời sống em hoàn toàn cho Chúa. Kể từ giây phút đó, chị không tưởng tượng nổi tất cả những lời cầu nguyện Chúa trả lời cho em đâu!”

Khi Bobby rời đi, tôi quay sang chồng tôi, anh Dick, với niềm vui khôn tả: “Lần đầu tiên trong đời, em biết em trai em thuộc về Chúa Jêsus!”

Năm ngày sau, Bobby qua đời vì một tai nạn giao thông. 

(còn tiếp)       VietChristian.com