Người “Thịnh Vượng Mọi Bề” (1)

Người “Thịnh Vượng Mọi Bề” (1)

“Thưa anh quý mến, tôi cầu nguyện cho anh được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn” (III Giăng 2 – BTTHD)

 

“Mọi bề, mọi mặt” là cách nói dân gian còn các chuyên ngành khoa học dùng từ “toàn diện”.  Khi xem xét bất kỳ một vật hay một việc gì cần xem xét toàn diện. Con người là một sinh vật toàn diện nghĩa là gì?

 

  1. Câu chuyện sáng tạo con người “mọi bề”

Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới mà chúng ta đang ở và mọi thứ trong đó gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, mọi thứ, mọi việc trong vũ trụ (kể cả xã hội con người) đều có liên quan chặt chẽ với nhau không thể tách rời.

 

Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng. 1:26,27) với bốn mối quan hệ nền tảng: mối quan hệ với Chúa, với những tạo vật khác, với người khác và với chính mình. Cả bốn mối quan hệ đó đều tốt lành và có mối liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau:

 

Giữa Đấng Tạo hóa và con người: mối quan hệ tương giao, vâng phục. Đây là mối quan hệ căn bản nhất, là nền tảng cho các mối quan hệ khác. Mục đích đầu tiên nhất mà Đấng Tạo hóa dựng nên con người là thay mặt Ngài quản trị mọi tạo vật “tốt lành” mà Ngài đã tạo dựng (Sáng. 1:26,28), là hầu việc và bày tỏ Ngài trên đất. Con người ban đầu có mối tương giao trực tiếp, không “tránh mặt” Đấng Tạo dựng mình mỗi khi Ngài “đi ngang qua vườn” (Sáng. 3:8) để trao đổi với Ngài về mọi thứ trong đó có công việc quản trị. Con người là quản gia của Đấng Tạo hóa.

Giữa con người với thế giới mà Chúa tạo dựng: mối quan hệ quản trị. Chúa thiết lập vườn Ê-đen, đặt con người vào đó để “ở” (Sáng. 2:8; Thi. 115:15-16), ban cho cái ăn từ cây cỏ mà Ngài đã dựng nên (Sáng. 1:29) để làm nhiệm vụ quản trị. Công việc cụ thể của quản gia của Đấng Tạo hóa là “trồng” (hay canh tác), “giữ” (hay bảo vệ, chăm sóc) (Sáng 2:15), và “đặt tên” (một cách nói về công việc nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, học hỏi) cho mọi loài do Ngài tạo dựng và làm chủ mọi thứ mà mình đặt tên (Sáng. 2:19,20).

Giữa người với người: mối quan hệ giúp đỡ nhau một cách thích hợp, tương xứng để làm công việc quản trị. Bởi vì một mình A-đam không thể làm xuể công việc quản trị thế giới vô cùng rộng lớn mà Chúa đã tạo dựng, nên Ngài tạo dựng Ê-va làm người “giúp đỡ thích hợp” A-đam (nguyên nghĩa của từ “giống như” là thích hợp, tương xứng, xứng hợp) và cả hai thân thiết với nhau đến mức “trần truồng mà chẳng có gì phải ngượng ngùng” (nguyên nghĩa của từ “hổ thẹn”) (Sáng. 2:18,20,25). Trong thế giới mà Chúa tạo dựng, không chỉ có một mà là nhiều quản gia. Người quản gia giỏi là người biết làm việc theo nhóm, biết phối hợp, giúp đỡ người quản gia khác một cách thân thiết. Giúp đỡ nhau sinh sản để có thể “làm cho đầy dẫy đất”, “làm cho đất phục tùng” (Sáng. 1:28). Sinh sản không để thỏa mãn chính mình mà để tạo dựng thế hệ tiếp nối công việc quản trị “khắp cả đất” (Sáng. 1:26), nhất là khi vì tội lỗi mà con người phải chết. Nhiệm vụ sinh sản chỉ gọi là trọn vẹn khi con người biết giúp đỡ nhau để nuôi, dạy thế hệ tiếp nối trở thành quản gia toàn diện. Như vậy, sinh sản không phải là quan trọng hàng đầu mà chính là nuôi dưỡng và dạy dỗ thế hệ sau.

Giữa con người với chính mình: tự chủ, tiết độ: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng. 2:16,17). Con người mang “sinh khí” của Đấng Tạo hóa (Sáng. 2:7), có nghĩa là có đặc điểm của Đấng Tạo hóa là sáng tạo, yêu thương, công bình. Con người không phải là Tạo hóa mà là quản gia có giá trị, có nhân phẩm, có quyền tự do và đại diện cho Đấng Tạo hóa trên đất. Dù có quyền tự do trong việc quản trị nhưng con người phải có tinh thần trách nhiệm và minh bạch phúc trình lại những gì mình làm cho chủ của mình. Con người được tự do nhưng phải có kỷ luật bản thân, có giới hạn, có “được” và “chớ hề”.

Tóm lại, Đấng Tạo hóa tạo dựng các quản gia của Ngài “rất tốt lành” (Sáng. 1:31) trong cả 4 mối quan hệ. Ngài tạo dựng con người toàn diện rất tốt lành – “tốt lành mọi bề”.

 

  1. Câu chuyện con người thất bại “mọi bề”

Con người “mọi bề” đã thất bại trong nhiệm vụ quản gia bắt đầu từ việc sử dụng sai quyền tự do của mình (Sáng. 3:1-24):

 

Con người tự do đến mức không tự chủ, tiết độ (đổ vỡ trong mối quan hệ với chính mình): dùng sự tự do của mắt (“thấy trái của cây đó… đẹp mắt”), của tai (nghe dụ dỗ), của trí phán đoán riêng mình (“bộ ăn ngon,… lại quí vì để mở trí khôn”) mà bỏ qua lời dặn, bỏ qua qui luật của Đấng Tạo hóa và hái ăn trái cấm (Sáng. 3:6).

Kết quả là hổ thẹn về tinh thần (“nhận biết mình trần truồng”– Sáng. 3:7), “nhọc nhằn” về đời sống, “đau đớn” về thân thể (Sáng. 3:17-19). Đau ốm, bệnh tật, nghiện ngập,… hầu hết đều là do lối sống, cách làm việc, ăn uống, học hành,… không đúng đắn và theo ý riêng mình, “lấy bụng mình làm Chúa mình” (Phi-líp 3:19). Để rồi khi mắt “mở ra” bèn tìm mọi cách để khắc phục: sửa sang thân thể, chạy thầy chạy thuốc,… một kiểu “kết lá cây vả làm khố che thân” (Sáng. 3:7)!

 

Con người tự do đến mức không vâng phục (đổ vỡ trong mối quan hệ với Đấng Tạo hóa), để rồi “sợ” và “ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng. 3:8).

Kết quả là con người mất đi quyền được trực tiếp thấy, nghe và trò chuyện với Đấng tạo dựng ra mình mặt đối mặt và dần không còn nhận biết đâu là Chân thần. Vì vậy mà nảy sinh việc lập bàn thờ, đền thờ, cúng bái, tu luyện, làm việc thiện tích đức,… tìm cách để nối lại mối quan hệ với các thần linh mà mình “không biết” (Công Vụ 17:23).

 

Con người tự do đến mức rủ nhau làm bậy (“hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa”; “nghe theo lời vợ, ăn trái cây mà Ta đã ra lệnh cấm ăn…” – Sáng. 3:6,17) rồi đổ thừa nhau, gây tổn hại nhau, (“mầy và người nữ, dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau…”) nhưng lại vẫn ước muốn sống bên nhau và vẫn cai trị nhau (“vẫn ước muốn sống bên chồng, và chồng sẽ cai trị con” – Sáng. 3:15,16 – BTTHĐ) (đổ vỡ trong mối quan hệ với người khác).

Cũng từ đó mà có bạo lực gia đình, rối loạn xã hội, chiến tranh,…

 

Con người tự do đến mức quản trị sai (đổ vỡ trong mối quan hệ với tạo vật khác). Thay vì quản trị tạo vật của Chúa (trong đó có “bụi cây”) lại để cho bụi cây “quản trị” lại mình (“đi ẩn mình giữa bụi cây” – Sáng. 3:8). Để rồi “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen” (Sáng. 3:23).

Chúng ta nghĩ gì về đứa con nhỏ không ăn lại còn nghịch phá, bóp nát chiếc bánh ngon mẹ làm cho mình; hay là về đứa con lớn ăn nhậu chơi bời, tiêu xài hoang phí khoản tiền mà cha mình làm việc cực nhọc, tiện tặn tích cóp gửi cho khi đi học nơi xa? Tạo vật của Chúa (trong đó có thân thể mình) là biểu hiện chính Ngài (Thi Thiên 19:1; Sáng. 1:26-27; 9:6; Gia-cơ 3:9). Làm tổn hại, làm ô uế tạo vật của Chúa (trong đó có thân thể, trí óc của mình) cũng chính là làm tổn hại chính Ngài, làm ô uế danh Ngài (Giê-rê-mi 2:7). Đất đai bị “nguyền rủa”. Con người “phải khổ nhọc suốt đời mới có miếng ăn từ đất sinh ra. Đất sẽ sinh gai góc và cây tật lê”, “vì con là cát bụi, con sẽ trở về với cát bụi” (Sáng. 3:17-19 – BTTHĐ). Con người sợ nắng mưa (“nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương,…”) và tìm mọi cách để cách ly khỏi môi trường thiên nhiên mà Chúa đã đặt để mình sống. Suy cho cùng tất cả những điều đó đều là do khả năng quản trị sai mà ra (Xem thêm Giê-rê-mi 2:7). Con người bắt đầu từ sự đổ vỡ mối quan hệ với chính mình dẫn đến sự đổ vỡ trong tất cả các mối quan hệ, mà căn bản nhất là mối quan hệ với Đấng Tạo hóa. Con người đổ vỡ toàn diện – thất bại “mọi bề”! (còn tiếp)