Người “Thịnh Vượng Mọi Bề” (2)

Người “Thịnh Vượng Mọi Bề” (2)

III. Câu chuyện cứu rỗi con người “mọi bề”

  1. Chúa Jêsus – Con người “mọi bề”

Tân Ước cũng vậy, Lu-ca cũng mô tả con người của Chúa Jêsus một cách toàn diện: “Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm (tinh thần), thân hình càng lớn (thân thể), càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời (mối quan hệ với Chúa) và người ta (mối quan hệ xã hội)” (Lu-ca 2:52). Điều đó có nghĩa là giữa trí óc, thân thể, mối quan hệ với Chúa và với người xung quanh không tách rời nhau.

Sách Nhã Ca mô tả vua Sa-lô-môn và người yêu Su-la-mít. Vua Sa-lô-môn được xem là hình ảnh thân vị của Chúa Jêsus, Su-la-mít được xem là hình ảnh của Hội Thánh. Cả hai“xinh đẹp mọi bề” không chỉ về vẻ ngoài mà cả trong tâm hồn, trong mối quan hệ giữa tín hữu với nhau, với cộng đồng xung quanh và với Chúa (Nhã Ca 2; 4:7).

Chúa Jêsus là con người toàn diện – “tốt lành mọi bề”.

  1. Chúa Jêsus đến để cứu rỗi con người “mọi bề”

Tiên tri Ê-sai đã nói trước về công việc của Chúa Jêsus là đem sự giải cứu đến không chỉ “kẻ buồn rầu, tang chế, lòng nặng nề, yếu đuối, run en, sợ hãi” (về mặt tinh thần) mà còn “kẻ mù, kẻ điếc, kẻ què, kẻ câm” (về mặt thân thể) mà còn “đồng vắng, đất khô hạn, sa mạc, các nóng, ruộng khô, hang chó đồng” (mối quan hệ với môi trường sống – Ê-sai 35:1-10; 61:1-3).

Chính Chúa Jêsus trong bài giảng đầu tiên tại nhà hội cũng đã dùng lời tiên tri của Ê-sai để công bố công việc của Ngài là: “truyền tin lành, đồn ra năm lành của Chúa, rao năm ban ơn” (về mặt xã hội), đem sự cứu rỗi, sự chữa lành cho “kẻ nghèo, bị cầm, bị mù, bị hà hiếp (Lu-ca 4:18-19) và sau đó nhắc lại qua lời nhắn cho Giăng Báp-tít đang bị tù: “kẻ mù, què, phung, điếc, chết, nghèo, khó khăn” (về mặt thân thể và quan hệ xã hội – Lu-ca 7:22; Ma-thi-ơ 11:5).

Phao-lô mô tả công việc của Chúa Jêsus là tạo dựng, gìn giữ và hòa giải muôn vật (Cô-lô-se 1:15-20). Nói cách khác, Ngài là Đấng Sáng tạo, Đấng Bảo tồn và Đấng Hòa giải muôn vật, trong đó có con người. Vì con người sa ngã, bất lực, không thể tự cứu mình, nên Chúa Jêsus đã đến trần gian để phục hòa tất cả các mối quan hệ bị đổ vỡ của con người: không chỉ phục hòa con người với Chúa (về mặt linh hồn – mối quan hệ với Chúa) mà còn phục hòa con người với chính mình (xác lẫn hồn), với người xung quanh (mối quan hệ xã hội) và với môi trường mình sống (mối quan hệ với thiên nhiên).

Chúa Jêsus đến để phục hòa “mọi bề” của con người, bắt đầu bằng việc quan trọng nhất là phục hòa mối quan hệ với chính Ngài, Đấng tạo dựng nên con người “mọi bề”.

  1. Các Sứ đồ và môn đồ luôn hướng đến con người “mọi bề”

Sứ đồ Phao-lô đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ mật thiết, không tách rời giữa con người với Chúa, với người sống quanh mình và mô tả điều đó qua hình ảnh thân thể là “đền thờ của Đức Thánh Linh” (I Cô-rinh-tô 6:19); “hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau” (Rô-ma 12:5); “thân thể của anh em là chi thể của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô. 6:15); “Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài” (Ê-phê-sô 1:22-23; 5:23; Cô-lô-se 1:18). Mối liên hệ chặt chẽ giữa các tất cả các cơ quan bộ phận trong thân thể chính là sự hiệp một của Hội Thánh (mối quan hệ con người với con người) và sự hiệp một với Chúa (mối quan hệ con người với Đấng Tạo hóa). Mọi người là chi thể của nhau và là chi thể của thân Chúa (I Cô-rinh-tô 12:12-30; Ê-phê-sô 4:25; 5:29-30; Rô-ma 12; 11:16).

Tóm tắt lại, Chúa Jêsus đã đến để đưa nhà quản trị của Ngài trở lại tình trạng ban đầu theo ý định của Ngài khi tạo dựng, nghĩa là “rất tốt lành” về mọi bề, mọi mặt, toàn diện: phần xác (thân thể, tinh thần trí óc – mối quan hệ với chính mình), phần hồn (mối quan hệ với Chúa), phần quan hệ với người khác (Hội Thánh địa phương, cộng đồng, đất nước) và phần quan hệ môi trường sống (mối quan hệ với thiên nhiên).

Kết quả của khái niệm toàn diện, mọi bề đó có thể gói gọn     trong hai từ nằm rải rác khắp Kinh Thánh Tân ước: “hiệp một”. (còn tiếp)